Ông Trịnh Văn Quyết: Bamboo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa
Trong khi ngành hàng không thế giới vẫn còn đang lao đao "án binh bất động" bởi dịch Covid-19, nhưng hàng không nội địa Việt Nam đã nhanh chóng hoạt động trở lại. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, ưu đãi để tạo sức bật cho ngành hàng không.
Trước những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành hàng không và hãng hàng không Bamboo Airways, tại buổi hội thảo "Hàng không Việt và sức bật của lò xo nén", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết: "Dịch covid-19 xảy ra đã làm cho ngành hàng không Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, đối với Bamboo Airways, chúng tôi đã kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp hỗ trợ và cơ bản đã được giải quyết.
"Đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ ngành đều làm rất quyết liệt, chính sách cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ. Bộ Giao thông và Cục Hàng không đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau lệnh giãn cách xã hội", ông Trịnh Văn Quyết cho hay.
Hy vọng, ngành hàng không có thể phát triển mạnh mẽ hơn sau khi kết thúc dịch Covid-19, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ: "Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Bamboo Airways đã thực hiện 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Tuy nhiên, Bamboo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7".
Ông Trịnh Văn Quyết, mong muốn sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động tốt nhất vì Bamboo Airways không bị ảnh hưởng bởi nhiều thị trường quốc tế.
Đánh giá về sự phát triển của ngành hàng không, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với các hãng hàng không, doanh nghiệp dịch vụ như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn... Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng.
Ông Cường đưa ra ví dụ: Như đường bay Côn Đảo, Cục Hàng không dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM. Hiện, vào một ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo. Tần suất như vậy quá lớn chỉ trong thời gian rất ngắn, trong 4 tuần từ khi hoạt động trở lại.
Đối với những thông tin về việc Cục hàng không có đang giao "độc quyền" cho một hãng hàng không khai thác bay tới Côn Đảo?, Ông Cường khẳng định: "Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng mở các đường bay khác tới Côn Đảo, chỉ cần các hãng hàng không có kế hoạch, Cục sẽ xem xét, đánh giá để đi tới cấp phép".
Theo ông Cường, hiện các chuyến bay quốc tế chưa có, chúng ta dành điều kiện đáp ứng nhu cầu nội địa, cho phép mở các hãng hàng không mới của Việt Nam. Hiện chúng ta có Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways. Sau nới lỏng cách ly xã hội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways có đề xuất mở đường bay mới, nối liền các địa phương với nhau từ Hà Nội sau đó là TP HCM.
Cục Hàng không không gây khó khăn trong việc phân bổ, có điều kiện là cho các hãng triển khai. Sân bay tại Hà Nội rất khó khăn về thời gian cất cánh hoặc hạ cánh. Bamboo Airways còn hơn 50% tàu bay chưa khai thác, VietJet Air tương tự, tỷ lệ này với Vietnam Airlines lớn hơn. Chỉ có khi các hãng được cất cánh thì vấn đề về cơ sở hạ tầng mới được giải quyết. Nội địa đã có sự trỗi dậy, thấy được sức bật của ngành hàng không.
"Hiện nay, có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi. Những đường bay mới có tuyến bay mới khởi động. Thị trường khách quốc tế chưa đạt 50%. So với 2019, thị trường thị phần trên dưới 50% cho nội địa và còn lại là quốc tế", ông Cương cho biết.
Theo ông Cường, dịch Covid-19 khiến thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn. Chúng ta mong chờ thị trường quốc tế mở cửa thì mới có hy vọng phục hồi. Thông thường thị trường cao điểm vào tháng 5, tháng 6, tháng 7. Năm nay, hy vọng sẽ có điều chỉnh như kéo dài mùa hè, cho học sinh đi học muộn thì sẽ có cơ hội phát triển trở lại.